Phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ tạm thời, lần lượt là 23,3% và 14,2%, trong khoảng thời gian từ ngày 22-3-2016 đến hết ngày 7-10-2016, theo một quyết định được Bộ Công Thương ký ban hành hôm 7-3.
Từ ngày 25-12-2015, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.
Sản phẩm bị áp thuế tự vệ tạm thời gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim, và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim, bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam. Các mặt hàng này có các mã HS là 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng trên được tiến hành xuất phát từ đơn kiện của bốn công ty sản xuất thép trong nước là Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý.
Trong hồ sơ, bên nguyên đơn cũng đề nghị Bộ Công Thương áp mức thuế tự vệ tạm thời 45% đối với phôi thép và 33% đối với sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi thép nhập khẩu không phân biệt nước xuất khẩu trong thời gian 200 ngày để tháo gỡ khó khăn cho nguyên đơn và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm phôi thép và thép dài sản xuất trong nước.
Thuế tự vệ tạm thời này không áp dụng cho phôi thép và thép dài nhập khẩu từ các nước kém phát triển nếu số lượng hàng hoá nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ và tổng lượng hàng hoá nhập khẩu các nước đó vào Việt Nam dưới 9% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ.
Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương cũng kèm theo danh sách các nước không bị áp dụng thuế tự vệ tạm thời này.
Trước đó, vào cuối tháng 12-2015, cơ quan điều tra của Việt Nam đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, và từ ngày 29-1 đến 23-2-2016 cũng đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước.
Kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra của Việt Nam cho thấy giá hàng hóa nhập khẩu đã gây tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Thị phần của ngành sản xuất trong nước đối với cả phôi thép và thép dài đều sụt giảm tương ứng với thị phần gia tăng của hàng nhập khẩu. Do đó, cơ quan điều tra cho rằng, nếu tình hình này tiếp diễn, ngành sản xuất phôi thép và thép dài trong nước sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục bị mất thị phần khiến doanh thu, lợi nhuận giảm và sản xuất bị đình đốn.
Kết luận cũng cho thấy, đối với thép dài, lượng nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục từ mức 387.448 tấn năm 2012 lên 665.679 tấn vào năm 2013 và tiếp tục tăng lên mức 1.282.090 tấn vào năm 2015, tức tăng 231% so với năm 2012.
Braptuh
pankknone