Dù đã khởi sắc hơn trong tháng 2, nhưng nếu tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép vẫn giảm lần lượt 16,3% và 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, thép phế, cuộn cán nóng (HRC) chưa có dấu hiệu dừng đà tăng…
Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, sản xuất thép thành phẩm tháng 2/2023 đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,285 triệu tấn, giảm 16,3%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về tình hình xuất khẩu thép, trong tháng 1/2023 đạt khoảng 672 nghìn tấn thép, giảm 18,24% so với tháng 12/2022 và giảm 17,53% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt gần 457 triệu USD, giảm 21,75% so với tháng trước và giảm 49,02% so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023, bao gồm: ASEAN (33%), EU (19%), Ấn Độ (15%), Thổ Nhĩ Kỳ (10%), các thị trường khác (13%)…
Từ chiều ngược lại, trong tháng 1/2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam đạt khoảng 592 nghìn tấn với trị giá hơn 525 triệu USD, giảm lần lượt 37,39% về lượng và 35,15% về giá trị so với tháng 12/2022 và giảm lần lượt 41,83% về lượng, 51% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam trong tháng 1/2023 bao gồm: Trung Quốc (35,64%), Nhật Bản (17,84%), Ấn Độ (16,19%), ASEAN (14,45%) và Hàn Quốc (8,52%).
Về tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 7/3/2023 giao dịch ở mức 125,1-125,6 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm nhẹ khoảng 1,15 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2/2023.
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 7/3/2023 giao dịch ở mức khoảng 331 USD/tấn FOB, tăng 6 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận vào cuối quý 1/2022 và đang có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022.
Đối với thép phế liệu, trong những ngày đầu tháng 2/2023 có xu hướng điều chỉnh tăng. Giá thép phế liệu liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 7/3/2023 giữ ở mức 448 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 7/3/2023 ở mức 643 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng 24 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2023.
Nhìn chung, thị trường HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép,…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Dự báo về tình hình thị trường thép trong năm 2023, một số chuyên gia cho rằng việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, nhu cầu thấp của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có thép.
Tại diễn đàn DInsights “Biến động thị trường chứng khoán: Tâm điểm ngành thép và bất động sản” mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết hiện tại 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.
Đối với xuất khẩu, thị trường ASEAN - tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép của Việt Nam, trong năm năm 2023 ngoại trừ Indonesia là điểm sáng, các nước như Thái Lan hay Singapore đều chứng kiến hoạt động xây dựng bị chậm lại. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực ASEAN dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang.
Với khu vực Châu Âu, Mỹ (tiêu thụ 3% tổng lượng thép), phần sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, do đó nhu cầu khó có mức độ tăng mạnh, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất ít nhất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng đầu năm.
Dẫu vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số yếu tố hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp thép đến cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ sắt thép được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ các dự án đầu tư công được triển khai nhiều hơn. Cụ thể, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao giải ngân đầu tư công với số vốn lên tới 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt lưu ý trường hợp bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng nguồn cung và nhu cầu trên thế giới – sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán DSC cũng lưu ý, những tín hiệu phục hồi này hiện vẫn còn khá yếu và có khả năng không bền vững. Mặc dù, Trung Quốc đã bãi bỏ Zero - Covid nhưng vẫn sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để có thể thực sự tái khởi động nền kinh tế.
Theo nhận định VNDIRECT, ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về lợi nhuận trong năm 2023 nhờ nền thấp của năm 2022. Tuy nhiên, xét yếu tố tích cực trong ngắn hạn rất ít nên rủi ro nhiều hơn. Do vậy, cần nhìn nhận mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp thế nào, có đáp ứng được thay đổi và rủi ro ở hiện tại hay không. Chẳng hạn như thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng có một vài điểm sáng như Mỹ tốt hơn EU, Indonesia tốt hơn Thái Lan. Vì thế, doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi thị trường tốt hơn sẽ có lợi thế.
Nguồn Vneconomy
Huyền Vy
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!